[X]

Đăng ký học online

Chọn các khóa học cần đăng ký:

Bộ môn Quản lý bệnh viện
Bộ môn Tổ chức và quản lý y tế
Bộ môn Chính sách và Kinh tế y tế

Điền đầy đủ thông tin:

Họ tên :
Email:
Điện thoại :
Chức vụ:
Đơn vị công tác:
Thời gian đăng ký học:
Mã xác nhận :
Ghi chú:
Tra cứu văn bằng chứng chỉ

HOẠT ĐỘNG “ĐÁNH GIÁ SỰ BỀN VỮNG CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH DO PEPFAR TÀI TRỢ SAU GIAI ĐOẠN CHUYỂN GIAO Ở VIỆT NAM: HIỆU QUẢ CỦA SỰ CHUYỂN GIAO CỦA PEPFAR” GIAI ĐOẠN 2017-2019

08/12/2021

Trải qua gần 30 năm triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã đạt được các thành tựu quan trọng. Năm 2018 là năm thứ 10 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả ba tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Cùng với sự tiến bộ trong lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV, mở rộng điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV là một trong những giải pháp quan trọng nhất để phòng, chống HIV/AIDS. Điều trị ARV giúp cải thiện sức khỏe, giảm tử vong cho người nhiễm HIV, giảm lây truyền HIV, và đem lại hiệu quả về kinh tế cho cả người bệnh, gia đình và xã hội. Hiện nay, Việt Nam có hơn 140.000 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, đạt khoảng 70% người nhiễm HIV đã được phát hiện. Trong số đó, Tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng vius dưới ngưỡng ức chế và hầu như không có khả năng lây nhiễm cho người khác theo con đường tình dục lên đến hơn 95%  (Bộ Y tế, 2019).


Đạt được các thành tựu này là do trong thời gian qua có sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Nhà nước, sự phối hợp đa ngành hiệu quả, huy động được sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội và đặc biệt là có sự hỗ trợ với Tỷ lệ lớn về tài chính và kỹ thuật của các đối tác quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, chủ yếu từ nguồn của Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng, Chống HIV/AIDS (PEPFAR) và Quỹ Toàn cầu (Amfar, 2015; Chính phủ Việt Nam – Cục Phòng chống HIV/AIDS, 2014; Todini, Hammett, Fryatt, & Reform, 2018). Tuy nhiên, HIV/AIDS vẫn là vấn đề sức khỏe quan trọng và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm. Đồng thời Việt Nam đang đối mặt với những thách thức rất lớn về sự bền vững của chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Các nhà tài trợ đã và đang cắt, giảm nguồn lực hỗ trợ, trong khi nguồn lực trong nước còn hạn chế (Bộ Y tế, 2014). Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn luôn cam kết và quyết tâm thực hiện được các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á thông qua các mục tiêu 90-90-90 của UNAIDS, theo đó 90% số người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng nhiễm HIV; 90% số người nhiễm HIV được chẩn đoán được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV có tải lượng vi-rút ổn định ở mức thấp, ít có khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, từ đó hướng tới thực hiện muc tiêu toàn cầu, đó là “Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030” (USAID & PEPFAR, 2016).

Để đạt được các mục tiêu trên trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ quốc tế bị cắt, giảm Việt Nam đang thực hiện nhiều sáng kiến, các giải pháp và thay đổi cơ chế để đảm bảo sự bền vững của hoạt động phòng, chống HIV/AIDS dựa trên các bài học kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới (Flanagan et al., 2018) áp dụng phù hợp vào bối cảnh của Việt Nam. Trong tình hình này Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) phối hợp với Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều hoạt động lập kế hoạch chuyển giao để đảm bảo tính bền vững của chương trình phòng chống HIV/AIDS, bao gồm thực hiện việc lựa chọn khu vực ưu tiên, đưa ra lộ trình chuyển giao cho các tỉnh được hỗ trợ của dự án, như 29 tỉnh được CDC-PEPFAR hỗ trợ.

Việc liên tục theo dõi tiến độ và kết quả sau quá trình chuyển giao luôn cần được ưu tiên để cung cấp các bằng chứng kịp thời cho viêc điều chỉnh các giải pháp mang tính hệ thống giúp cho việc duy trì sự bền vững, nhằm đạt được các mục tiêu về phòng chống HIV/AIDS mà Chính phủ đã cam kết. Với mục đích đó CDC (văn phòng đại diện tại Việt Nam) và Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã tài trợ và phối hợp với Trường Đại học Y tế công cộng thực hiện nghiên cứu này với mong muốn đánh giá tác động của việc chuyển giao đối với người bệnh HIV. Cụ thể xem xét mức độ cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ HIV, độ bao phủ, và tình trạng sức khoẻ của người bệnh HIV đồng thời tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng tới việc chuyển giao nhằm đảm bảo sự bền vững của hoạt động cung cấp dịch vụ HIV/AIDS.

Báo cáo “Đánh giá sự bền vững của các chương trình do PEPFAR tài trợ sau giai đoạn chuyển giao ở Việt Nam: hiệu quả của sự chuyển giao của PEPFAR” giai đoạn 2017-2019 được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tài trợ kinh phí trong khuôn khổ của kế hoạch hoạt động quốc gia (PEPFAR – Việt Nam 2016-2019). Báo cáo được thực hiện với sự hợp tác của các đơn vị sau:

·        CDC-Việt Nam và CDC-Adlanta: giám sát hỗ trợ, tư vấn về mặt kỹ thuật

·        Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế: giám sát hỗ trợ, theo dõi và tư vấn trong suốt quá trình thiết kế và triển khai thực hiện đánh giá

·        Trường Đại học Y tế công cộng: Triển khai thực hiện đánh giá
(Báo cáo đầy đủ)